Nếp sống Văn_hóa_Nhật_Bản

Cùng với sự thay đổi về số người trong gia đình, nếp sống hiện nay của người Nhật Bản khác ngày trước do việc dùng các máy móc gia dụng, do sự phổ biến các loại thực phẩm ăn liềnđông lạnh, các loại quần áo may sẵn và các phương tiện hàng ngày khác. Những tiện nghi này đã giải phóng người phụ nữ khỏi các ràng buộc về gia chánh, cho phép mọi người có dư thời giờ tham gia vào các hoạt động giải trí, giáo dục và văn hóa. Các tiến bộ về công bằng xã hội cũng làm mất đi tính kỳ thị về giai cấp, về quá trình gia đình, và đại đa số người Nhật Bản thuộc giai cấp trung lưu, căn cứ vào lợi tức của họ.[cần dẫn nguồn]

Một số người Nhật rất ưa chuộng lối sống tối giản [tiếng Nhật: ミニマリズム (minimarizumu, ミニマリズム?)] họ thường giảm bớt đồ đạc ra khỏi nhà tới mức tối thiểu để có một cuộc sống tốt hơn và có nhiều thời gian hơn, vì họ quan niệm rằng quá nhiều đồ đạc sẽ đánh mất sự tự do của bản thân, chỉ nên giữ lại những đồ vật cần thiết và thực sự quan trọng. Một số người thường áy náy khi vứt đồ, dù là đĩa, sách, những bức hình kỉ niệm hay quà từ người quan trọng, người Nhật vẫn vứt vì thấy không cần nó nhưng lại biết ơn người tặng. Biết tận dụng những món đồ quan trọng sẽ hạn chế việc mua những đồ mới cũng như giảm chi phí sinh hoạt, tập trung được vào mọi việc, mang lại nhiều công sức và giảm thời gian làm việc nhà. Trong các trận động đất hay sóng thần Nhật Bản, những người ít đồ đạc sẽ không chấn thương nhiều như những người có nhiều đồ, thậm chí nhiều đồ vật quá tải có thể giết chết chủ nhà và kể cả những món đồ đắt giá cũng bị mất theo, những đồ cần thiết lại được giữ lâu hơn.[1]

Ngày nay mặc dù Nhật Bản đã là một quốc gia tân tiến nhưng trong xã hội Nhật, vai trò và các liên hệ nam nữ đã được ấn định rõ ràng. Thời cổ, Nhật Bản theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò lớn hơn nam giới. Từ khi thời kỳ phong kiến phát triển, người đàn ông lại chiếm vai trò độc tôn. Dù rằng tinh thần giải phóng phụ nữ đã được du nhập vào Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 nhưng hiện nay trong đời sống công cộng, người phụ nữ vẫn ở vị thế thấp hơn nam giới và bên ngoài xã hội, người nam vẫn giữ vai trò lớn hơn. Theo căn bản, người nữ vẫn là người của "bên trong" (uchi no) và người nam vẫn là người của "bên ngoài" (soto no). Phạm vi của người phụ nữ là gia đình và các công việc liên hệ, trong khi người chồng là người đi kiếm sống và đưa hết tiền lương về cho người vợ. Thời xưa, người phụ nữ trên 25 tuổi mà chưa có chồng thường bị nam giới coi như "có khuyết điểm nào đó". Nhưng nay Nhật Bản lại là nước có phụ nữ lấy chồng rất muộn, thậm chí là sống độc thân mà không có chồng (Nhật Bản hiện nay là nước có phụ nữ lấy chồng rất ít và tỉ lệ sinh thấp nhất châu Á). Tại các công ty, nhà máy, cửa hàng... người phụ nữ thường được thuê mướn để chào đón các khách mới đến. Ngày nay, vị thế của người phụ nữ đã được nâng lên nhiều trong xã hội, nhất là tư duy của lớp thanh niên trẻ - những người thường không có quan niệm phân biệt và suy nghĩ truyền thống như lớp người trung niên.[cần dẫn nguồn]

Trong nếp sống hiện đại, người Nhật vẫn giữ được những nét truyền thống, họ rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc và đề cao giáo dục. Luôn đề cao truyền thống hiếu nghĩa với cha mẹ, tổ tiên; thủy chung vợ chồng, trung thành với bạn, kính trọng thầy và phục tùng lãnh đạo. Đây là đức tính quan trọng nhất trong văn hóa truyền thống. Thanh niên Nhật Bản có ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà nước rất cao. Họ có xu hướng sống hiện đại, thực tế, năng động, dễ hòa mình và thích nghi với hoàn cảnh mới, thích đi du lịch và tham dự các hoạt động mang tính chất phong trào.[cần dẫn nguồn]